Tuesday 8 April 2014

Isaac Newton và Chiêm Tinh Học

(Chiêm Tinh Học 511.001)

Tôi rất thích xem bộ phim tài liệu "Cosmos: A Spacetime Odyssey" ("Vũ Trụ: Một Hành Trình Xuyên Không Gian và Thời Gian", http://en.wikipedia.org/wiki/Cosmos:_A_Spacetime_Odyssey) - dài 13 tập, có phụ đề tiếng Việt - hiện đã bắt đầu đang chiếu trên đài National Geographic trong tuần qua. Đây là một chương trình rất hay khi lịch sử khoa học và thiên văn nói chung được trình bày sinh động bằng những hình ảnh và xảo thuật hiện đại kèm với lối kể chuyện súc tích để giúp chúng ta hiểu được những giai đoạn quá khứ và các vấn đề cũng như khái niệm trừu tượng của thiên văn.

Tuy nhiên, đến tập thứ 3, tác giả cũng không quên kèm theo một sự "mỉa mai" khi nói về tổ tiên loài người từ xa xưa đã dùng các chòm sao và sao chổi để tiên đoán các sự kiện trên trái đất. Tập này cũng nói về hành trình gian khổ của Ngài (Sir) Isaac Newton (1642-1727) và sự tài trợ hết mình đằng sau Newton của tiến sĩ Edmond Halley để giúp xuất bản tác phẩm "Philosophie Naturalis Principia Mathematica" trong bối cảnh đầy khó khăn kinh tế của Viện Hàn Lâm Hoàng Gia London và sự chống đối / ăn cắp bản quyền của vị trưởng viện này là Robert Hooke.

Trên thực tế, công trình của Isaac Newton được cho là một cột mốc quan trọng, một "ngã rẽ" giữa "Chiêm Tinh Học" cổ đại và "Thiên Văn Học" hiện đại ngày nay. Nói cách khác, phần lớn các nhà thiên văn và khoa học nói chung đều xem ông "cha đẻ" của mình - Newton - là "cái cớ" để đả phá và phản biện về cái gọi là tính "phản khoa học" của môn chiêm tinh. Nhưng dù có bị đả phá như thế nào với những thăng trầm hàng bao thế kỷ qua, chiêm tinh học vẫn tồn tại và ngày càng phát triển với những khám phá mới, song song với sự tiến bộ của khoa học như chúng ta đã biết. Như vậy, SỰ THẬT là ở đâu ?

Tôi chỉ nói một ví dụ đơn giản như thế này để thấy rằng nền "khoa học" mà chúng ta tiếp thu từ thời "mài đít ở ghế nhà trường" cho tới nay vẫn chỉ là một "em bé" đang học hỏi mỗi ngày, muốn "thể hiện cá tính" và "tài lanh" của mình và vẫn còn "non dại" so với sự khôn ngoan lâu đời của người xưa. "Khoa học" đã hiểu rằng NƯỚC là một nguyên tố không thể thiếu cho sự sống trên Trái Đất. "Khoa học" đã nghiên cứu rằng cơ thể con người chúng ta có tỷ lệ từ 45% đến 75% là NƯỚC. Nghĩa là, hết "phân nửa" cho đến 3/4 vật chất trong cơ thể chúng ta đều là NƯỚC. "Khoa học" cũng đã đong đếm và cho biết rằng 3/4 (> 70%) bề mặt Trái Đất cũng được bao phủ bởi NƯỚC. Ai cũng biết rằng Mặt Trăng quay vòng quanh Trái Đất và tác động đến THỦY TRIỀU - nước lên/nước xuống mỗi ngày trên Trái Đất. "Khoa học" cũng đã nghiên cứu về nhiều sinh vật có chu kỳ giao phối, sinh sản, sống/chết liên quan mật thiết đến thủy triều và tác động của Mặt Trăng/Mặt Trời trên sông ngòi, biển cả, và tất cả những gì có chứa NƯỚC. Vậy thì tại sao "khoa học" ấy vẫn "cứng đầu" và khăng khăng cho rằng cơ thể có chứa "3/4 nước" ấy của con người chúng ta lại "không liên quan" gì đến tác động của Mặt Trăng (vốn chỉ là vệ tinh bé xíu của Trái Đất) và các hành tinh to lớn hơn trên trời nhỉ ?! Một chuyện rất đơn giản và vô lý hết sức.

Lịch sử nhiều nghìn năm của con người luôn là một quá trình HỌC HỎI. Những gì chúng ta biết ngày nay đều là kết quả của sự "mò mẫm", "thử nghiệm", "quan sát" và "nghiên cứu". Phần lớn các kiến thức của chúng ta đều bắt nguồn từ đó, nhưng cũng có một số kiến thức có nguồn gốc "huyền bí" - trong đó có "chiêm tinh học" và hiện chúng ta vẫn chưa rõ chúng từ ở đâu đến (người ngoài hành tinh ? hay một nền văn minh xa xưa ?) ... Ông bà xưa của chúng ta có thể không biết hay không quan tâm (thông tin đã thất lạc?) về sự thật "Trái Đất quay vòng Mặt Trời" (hệ thống Nhật Tâm), "cái gì quay vòng quanh cái gì" hay "thiên thể chuyển động theo hình tròn ellipse), nhưng sự QUAN SÁT tinh tế bằng mắt thường của họ với kiến thức "cái gì trên trời liên quan đến cái gì ở dưới đất" trong chiêm tinh học thì đã rõ. Tôi cho rằng người xưa "quá rảnh" ! Họ không có smartphone. Họ không có điện thoại. Họ không có internet, không có "ebook" hay phim ảnh để "download" về thoải mái. Họ cũng không có "Facebook" để tha hồ "chém gió" và lãng phí thời gian bàn luận về "hotgirl/hotboy". Việc đi lại cũng rất giới hạn và khó khăn, chẳng có xe mô tô, xe hơi, xe buýt, máy bay ... mà chỉ có lừa, ngựa, xe bò, hay tàu thuyền thô sơ ... Không đi được quá xa, không có phương tiện điện tử giải trí, không liên lạc thường xuyên/nhanh chóng với người thân ... Thời gian RẢNH đó họ làm gì ? Kiến thức của họ, nếu không đi "học thầy" hay phục vụ cho vua chúa quan chức, thì họ chỉ việc ở nhà, quanh quẩn với khu vực hàng xóm/gia đình của họ và QUAN SÁT. Ngày này, qua ngày nọ. Tháng này qua tháng kia. Đời này qua đời khác. Và sự QUAN SÁT của họ cũng chính là sự CHIÊM NGHIỆM bồi đắp lên nền tảng của Chiêm Tinh Học.

Ở mặt khác, "khoa học" ngày nay cũng là sự "chiêm nghiệm" đấy thôi. Cũng là sự "quan sát" và tích tụ kiến thức, lý thuyết này chồng lên lý thuyết kia hỗ trợ cho nhau, và cũng từ "quan sát" mà ra. Tuy nhiên, sự phủ nhận của "đứa con / nghịch tử" Thiên Văn Học với "người cha" của mình là Chiêm Tinh Học là kết quả của một quá trình HIỂU LẦM, TỰ ÁI, THÙ HẬN và TRANH CHẤP lẫn nhau giữa con người vs con người với các động cơ chính trị, tôn giáo, kinh tế và khoa học một cách phức tạp. Cho đến ngày nay, các nhà "khoa học" vẫn luôn thường xuyên tấn công Chiêm Tinh Học, và tôi cũng không lạ khi thấy một "cơ hội tấn công mới" trong một chương trình TV có giá trị đang chiếu ở đài National Geographic.

Trong lịch sử hiện đại, cũng đã từng có 1 cuộc "tổng tấn công" đình đám của giới "khoa học" vào Chiêm Tinh Học, khi một bài viết được đăng lên tạp chí "Humanist" số tháng 9 & 10, năm 1975 của Bart J. Bok, Lawrence E. Jerome và Paul Kurtz, với tựa đề "Phản Đối Chiêm Tinh Học: Một Tuyên Bố của 186 Nhà Khoa Học Hàng Đầu" ("Objections to Astrology: A Statement By 186 Leading Scientists"). Những người đứng đằng sau vụ này cho rằng họ lo ngại cho "sự ảnh hưởng nguy hiểm" của "mê tín, huyền thuật" và nhất là "chiêm tinh học" đến nền văn minh nhân loại. Họ sợ rằng niềm tin tưởng mê muội vào chiêm tinh học sẽ giảm đi sự tôn trọng cho những môn "khoa học chân chính" cũng như những đam mê đi lạc xa những môn khoa học đó. Mặc dù bài viết này chẳng thuyết phục hay luận lý trôi chảy như vụ tấn công của St. Augustine vào khoảng thế kỷ thứ 4, hay của Pico d. Mirandola trong thứ kỷ thứ 15, nó có "trọng lượng" đáng kể nhờ vào chữ ký của 186 nhà khoa học nổi tiếng thời đó, và trong nhóm này, có 18 người đã từng lãnh giải Nobel.

Nhiều nhà khoa học cho rằng sau Galileo, Newton là "người hùng" của cuộc Cách Mạng Khoa Học trong thế kỷ thứ 17, và các định luật hấp dẫn của Newton là nền tảng cho ngành thiên văn học hiện đại. Trước các cuộc tấn công của giới khoa học và vị trí của khoa học ngày nay, một số nhà nghiên cứu chiêm tinh và chiêm tinh sư như Stephen Arroyo, Derek Parker, Walter Separial, Alen Oken, Glenn Perry, Warren Kenton v.v... cũng phản pháo lại và cho rằng chính Newton cũng là một người nghiên cứu chiêm tinh. Họ cho rằng, nếu kéo hình ảnh Newton "vào cuộc" thì CTH sẽ "có giá trị" hơn dưới mắt của "khoa học", cũng giống như các nhà khoa học ngày xưa từng phải tìm kiếm sự chấp nhận của phía nhà thờ khi kéo hình ảnh của "Chúa" vào những khám phá và lý thuyết của họ. Tuy nhiên, nền tảng của nhóm các nhà chiêm tinh này đều dựa trên một câu nói duy nhất của Newton khi Tiến sĩ Edmond Halley nói những lời khiếm nhã và phỉ báng đến "tôn giáo". Lúc đó, Newton cắt ngang lời ông tiến sĩ và nói rằng, "Thưa Ngài, tôi đã nghiên cứu những thứ này, còn ông thì chưa." Như vậy, các nhà chiêm tinh đã dẫn chứng và diễn dịch sai chữ "tôn giáo" trong tiếng Anh (religion) ra thành "chiêm tinh" (astrology), là 2 thứ hoàn toàn khác nhau.

Bạn có biết rằng nguyên nhân nào dẫn đến việc Newton phát minh ra môn toán Tích Phân (calculus)? Lúc đó là mùa hè năm 1663 khi ông còn đang là một cậu học sinh 21 tuổi ở trường đại học Cambridge, ông đã mua một cuốn sách về chiêm tinh trong một hội chợ ở Stourbridge. Cuốn sách đó là một luận án về chỉ tay và chiêm tinh của một chiêm tinh gia và cũng là bác sĩ người Anh Richard Saunders. Khi Newton "chóng mặt" vì không tài nào có thể hiểu nổi những biểu đồ chiêm tinh chằng chịt cũng như những phép tính phức tạp trong đó, ông chuyển hướng sang nghiên cứu môn hình học của Euclid và lao vào đọc các cuốn sách toán học của Frans Schooten và René Descartes. Như vậy, CTH chính là tất cả lý do của Newton bước chân vào lãnh vực khoa học !

Trong hơn 1700 cuốn sách trong tủ sách của Newton, người ta tìm thấy có 27% cuốn sách về thần học, gần 10% là sách về chủ đề thuật giả kim (alchemy), hơn 7% về toán học, 3% về vật lý, và chỉ có gần 2% là về thiên văn. Như vậy, điều ngạc nhiên đó là Newton nổi tiếng trong 3 lãnh vực mà ông chỉ có không đầy 12% số sách về các chủ đề đó trong thư viện của ông. Lúc ông chết, ông chỉ có 4 cuốn sách về đề tài chiêm tinh: một cuốn của nhà chiêm tinh Đức Johann Essler, 1 cuốn của Richard Saunders, 1 cuốn lịch thiên văn cũng của Richard Saunders nhưng lại dùng một tên ảo khác, và cuối cùng là một cuốn sách đả phá chiêm tinh của triết gia/nhà thơ/giáo sư Henry More.

Trong thực tế, Newton là một người sùng đạo Thiên Chúa. Ông không quan tâm đến chiêm tinh, và ngoài những kiến thức ông đóng góp cho khoa học mà nhiều người biết đến, ông là người bí mật nghiên cứu về môn giả kim và thần học. Ông tin vào những lời tiên tri, vào sự ứng nghiệm của sách Khải Huyền, nhưng chống lại xu hướng "thần tượng hóa" (idolatry) của đạo Thiên Chúa (người Công Giáo) thời ấy. Người Công Giáo lúc đó đang "lậm" sâu vào nạn "tôn thờ hình tượng" và sử dụng ma thuật qua các nghi lễ, tôn thánh, cầu nguyện cho Đức Mẹ Mary, bùa chú, đồ vật phép lạ như "nước thánh". Quan điểm của Newton cũng giống như những người Tin Lành thời đó và sự trỗi dậy của họ cũng một phần là nhắm vào mục đích loại bỏ "phép thuật" ra khỏi "tôn giáo".

Những cuốn sách về tiên tri từ Kinh Thánh Cựu Ước như Daniel (Đa-ni-ên) và Khải Huyền mà Newton đã đọc thật ra chứa đựng khá nhiều nội dung chiêm tinh và những biểu tượng bí ẩn của chiêm tinh. Cuốn sách tiên tri Daniel bắt đầu bằng câu chuyện về sự thất bại của tất cả các nhà chiêm tinh Babylon, các pháp sư và thầy bói khi cố gắng diễn dịch một giấc mơ cho vua Nebuchadnezzar (Na-bu-cô-đô-nô-xo). Nếu đọc kỹ cuốn sách này, bạn sẽ thấy rằng tiên tri Daniel chính là một trong vài đứa trẻ Do Thái được chọn ra để được huấn luyện bởi các thầy chiêm tinh người Chaldean (Can-đê). Tuy nhiên, Daniel không sử dụng chiêm tinh để trả lời câu hỏi của vua, mà là ông có thông tin "download" trực tiếp từ Đức Chúa Trời ! Phần sau của cuốn sách, nhà tiên tri Daniel còn nói rõ tính chất "thiên cơ bất khả lộ" qua thông điệp khuyến cáo rằng việc con người để ý quá nhiều đến các ngôi sao ("cuồng tín") đã làm Chúa nổi giận (chương 2). Newton tin rằng người Chaldean từng được thừa hưởng một nguồn kiến thức uyên thâm và trong sáng, nhưng đã bị mai một mất đi cùng với thời gian do "tam sao thất bổn", suy đồi đạo đức và thờ cúng hình tượng. Vì thế, trong bối cảnh thời đó, Newton có lẽ đã xem CTH như một dạng "thờ cúng hình tượng". Chính vì sự kinh tởm và thù ghét "thờ cúng hình tượng" đó nên Newton cũng đã chống đối lại đạo Công Giáo một cách mạnh mẽ cùng với phong trào Tin Lành cũng đang rộ lên.

Nói như thế, cũng không hẳn là Newton bỏ hẳn nền tảng CTH. Cũng giống như kiến thức giả kim và chiêm tinh, Newton tin vào năng lượng huyền bí và thiêng liêng của con số Bảy (7), cũng là con số của 7 hành tinh thấy được bằng mắt thường thời đó mà người xưa tin rằng nó chính là biểu tượng cho sự hoàn hảo của bàn tay Thượng Đế. Khi viết cuốn sách "Quang Học" (Opticks) vào năm 1704, Newton cho rằng có 7 màu tổng cộng trong cầu vồng. Thực ra Newton chỉ tìm ra 5 màu, và ông tự cộng thêm 2 màu nữa cho đủ thành số 7 - là số của sự hoàn hảo ! Newton rất tôn trọng những kiến thức cổ đại, và ông tin rằng người Do Thái được may mắn thừa hưởng được nền kiến thức cổ đại về vũ trụ. Ông còn đoán rằng các học sinh của nhà toán học Pythagor (thế kỷ thứ 5 TCN) có thể đã hiểu được cả nguyên lý cổ đại về luật hấp dẫn của vũ trụ. Ông viết về điều này trong cuốn sách "Principia" - có thể nói là một tác phẩm khoa học quan trọng nhất của mọi thời đại.

Trong bộ phim tài liệu "Cosmos", Newton và tiến sĩ Halley được cho là đã "tiêu diệt" được mô hình của CTH thời đó bằng cách chứng minh sự tuần hoàn của các sao chổi, dỡ bỏ tấm màn huyền bí và hình ảnh "điềm gở từ quỷ thần" xưa nay của các thiên thể này đối với con người. Newton cho rằng các sao chổi có chức năng ổn định và hồi sinh vũ trụ, và ông không những đã khám phá ra cách Thượng Đế tái sinh vạn vật mà còn phương thức nó sẽ bị hủy diệt như thế nào. Newton lý luận rằng các sao chổi có thể bị hút về phía Mặt Trời, cộng hưởng sức nóng từ đó quá nhiều đến nỗi nó có thể hủy diệt sự sống trên trái đất. Nói cách khác, thế giới này có thể bị hủy diệt bằng lửa giống như Kinh Thánh đã dự đoán. Newton cũng khám phá ra rằng "thời điểm" của sự kiện tương lai đó có thể không chính xác đến từng ngày. Thật ra, Newton không phải không công nhận tác động từ các thiên thể lên cuộc sống con người, mà ông chỉ hoán đổi ý tưởng ảnh hưởng theo kiểu này sang ảnh hưởng theo kiểu khác.

Newton còn sử dụng kiến thức chiêm tinh để cố gắng sắp xếp lại trình tự chính xác về lịch sử. Newton nghiên cứu nghiêm túc về lịch sử và đã thử điều chỉnh lại thứ mà ông cho rằng là những sai lạc cố tình trong văn bản. Ông sử dụng các chu kỳ của các hành tinh làm công cụ đặt mốc thời gian để sắp xếp lại lịch sử. Ông cố gắng liên kết lịch sử của người Hy Lạp, La Mã, Babylon và Do Thái với hiện tượng tuế sai (precession). Đây là một ví dụ khi Newton sử dụng nguyên lý chiêm tinh mà không cần đụng gì đến việc khen chê hay xét đoán lá số hay những liên hệ biểu tượng giữa các sự kiện trên trời và dưới đất.

Một ví dụ khác mà Newton có lẽ đã sử dụng kiến thức chiêm tinh đó là một đoạn trích từ cuốn sách về giả kim của Newton. Ông viết rằng: "Người xưa gọi antimony (nguyên tố hóa học thứ 51) là Dương Cưu. Bởi vì Dương Cưu là dấu hiệu Hoàng Đạo đầu tiên và là cung đắc địa của Mặt Trời và kim loại Vàng cũng đắc địa nhất trong antimony". Nếu Newton chỉ đơn giản chú trọng vào hóa học, thì ông sẽ không cần thiết phải nhắc đến dấu hiệu Hoàng Đạo Dương Cưu hay thông tin Mặt Trời đắc địa ở Dương Cưu - vì đây rõ ràng là một nguyên lý chiêm tinh chẳng bao giờ có trong thiên văn học hay hóa học. Khi xem các nghiên cứu của Newton về giả kim, điểm quan trọng chúng ta cần nhớ đó là thuật giả kim chứa đựng toàn những biểu tượng và nguyên lý của chiêm tinh. Gần như không thể tách rời giữa "chiêm tinh" và "giả kim". Nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl G. Jung từng nói rằng, "Không ai có thể hiểu Giả Kim được nếu không có sự ảnh hưởng từ bà chị cả Chiêm Tinh ..."

Trong cuốn sách "Niên Đại của Các Vương Quốc Cổ" (Chronology of Ancient Kingdoms) của Newton xuất bản vào năm 1728 ngay sau khi ông chết, Newton không những tường thuật lại về nguồn gốc của chiêm tinh học mà còn nhắc đi nhắc lại đến 3 lần. Ông nói về câu chuyện sự phát minh của chiêm tinh học ở Hy Lạp bởi Nichepsos, hay Necepsos, một trong các Vị Vua của Hạ Hy Lạp (Lower Egypt) và thầy tế của ông, Petosiris. Newton cũng nói rằng người Chaldean (Can-đê) ở xứ Babylon là những thuộc địa của người Hy Lạp đã được huấn luyện bởi vị thầy tế này và giòng giống của họ trở nên nổi tiếng về chiêm tinh. Và ông lập lại thêm 2 lần nữa trong cùng một cuốn sách. Sẽ khó hiểu tại sao Newton lập lại câu chuyện này thường xuyên, ngoại trừ trường hợp ông làm theo phản xạ trong tiềm thức, hay chú ý đặc biệt đến huyền thoại này.

Có lẽ, Newton là một trong những người có "tư tưởng khoa học" vĩ đại nhất trong lịch sử, nhưng ông thật ra không phải là một "nhà khoa học" (scientist), vì từ này chỉ xuất hiện sau khi ông mất được hơn 100 năm. Newton có những ý tưởng và đam mê không giống như hình ảnh mà chúng ta nghĩ về ông ngày hôm nay. Ông dành phần lớn cuộc đời không phải để nghiên cứu các nguyên lý thiên văn hay toán học mà chúng ta đều biết, mà thật ra là để nghiên cứu ngành giả kim, tiên tri Kinh Thánh và các niên đại về người cổ xưa. Theo tiêu chuẩn ngày nay, cũng sẽ khó phân loại Newton hoàn toàn là một nhà khoa học có đầu óc máy móc và lý trí lạnh lùng, vì phải kể đến những nghiên cứu về tôn giáo và giả kim của ông và chúng chiếm hầu hết phần lớn cuộc đời và công việc của Newton. Nghịch lý về cuộc đời Newton nằm ở chỗ, ông được cho là người nổi tiếng đã có công làm cho "phép thuật" và "huyền bí" càng trở nên "không còn chỗ đứng", nhưng ông đạt được điều đó bằng cách "trầm mình" sâu hơn vào chính những điều mà ông được tôn vinh là "kẻ phá hủy".

Cho đến những hé lộ mới gần đây, những điều chúng ta lâu nay vẫn lầm tưởng hay chưa biết về Newton trong lãnh vực giả kim và thần học là vì 2 quá trình quan trọng sau thế kỷ 17: ngành giả kim bị dẹp bỏ và sự tách rời giữa tôn giáo và khoa học. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, càng ngày những người nghiên cứu các môn huyền bí như giả kim và chiêm tinh càng ít đi hoặc trở nên lén lút. Và Newton cũng đã không xuất bản bất kỳ cuốn sách nào ông viết về chủ đề giả kim trong xu hướng này, dù ông vẫn còn nghiên cứu đến gần thập kỷ 1730. Vì lý do chính trị phức tạp trong bối cảnh nội chiến diễn ra ở Anh Quốc, Hội Hoàng Gia Anh đã nỗ lực bảo vệ hình ảnh và vị trí của Newton sau khi ông chết, bằng cách cố tình bưng bít mọi hoạt động và tài liệu về ngành giả kim của ông. Tất cả tài liệu về môn giả kim ước lượng hơn 2 triệu 400 ngàn chữ đã không được xuất bản và giao trả về cho gia đình của Newton. Đến cuối thế kỷ 18, một gia đình giàu có đã thừa hưởng bộ tài liệu này từ người cháu của Newton và cho xuất bản một số tài liệu của ông, qua bộ sách 5 quyển có tựa đề "Isaaci Newtoni Opera". Trong đó, tác giả (là một linh mục) đã không nhắc bất kỳ điều gì đến các nghiên cứu giả kim của Newton cũng như niềm tin kín đáo của Newton rằng hình ảnh Ba Ngôi trong học thuyết Thiên Chúa Giáo là một sự sai lầm.

Một số tác phẩm từ các nhà sử học hâm mộ Newton từ thời ông còn sống cũng bưng bít thông tin sự thật về Newton, như William Stukeley, Ngài David Brewster, Gale Christian, Richard Westfall và người cháu của ông là John Conduitt. Cho đến khi bộ tài liệu của Newton được đem ra đấu giá tại Triển Lãm Sotheby, London vào năm 1936, hình ảnh sự thật về Newton là một con người loạn thần kinh, cuồng si và đam mê huyền bí mới dần dần xuất hiện. Phần lớn bộ tài liệu này được một nhà kinh tế học người Anh, Chúa Công (Lord) Maynard Keynes, đã mua lại. Sau khi xem xong, ông Maynard đã làm sốc cả Hội Hoàng Gia Anh vào năm 1942 trong một bài diễn thuyết khi nói về Newton:

"Từ thế kỷ thứ 18 đến nay, Newton đã đến như một người đầu tiên và vĩ đại nhất trong các nhà khoa học hiện đại, là một nhà duy lý đã dạy chúng ta biết suy nghĩ theo xu hướng của lý luận lạnh lùng và không màu sắc. Tôi thấy ông không phải là người như vậy. Tôi cũng không nghĩ những ai đã xem qua nội dung của chiếc thùng mà ông đã gói lại khi rời đại học Cambridge vào năm 1696 rồi lưu lạc một phần và cuối cùng đã đến tay chúng ta ngày nay, có thể cho ông là như vậy. Newton không phải là người đầu tiên trong kỷ nguyên của lý luận này. Mà ông chính là người cuối cùng của các pháp sư còn sót lại, người cuối cùng của giòng giống Babylon và người Sumerian, là khối óc vĩ đại cuối cùng, sở hữu cặp mắt giống như những vị tiền bối đã xây dựng lên khối tài sản trí tuệ của chúng ta từ ít nhất 10 ngàn năm trước. Isaac Newton, một đứa con sinh sau đẻ muộn, không cha vào mùa Giáng Sinh lạnh lẽo năm 1642 ấy, cũng là đứa con thiên tài cuối cùng mà người Magi có thể chúc phước và nuôi nấng lên."

Maynard cũng mô tả Newton là một pháp sư cổ đại với một chân trong thế giới hiện đại và một chân trong thời Trung Cổ - một sự trộn lẫn giữa Copernicus và Faustus, và sự nghiên cứu về giả kim của ông cũng quan trọng như nghiên cứu về vật lý. Từ thời điểm đó trở đi, một hình ảnh mới bất toàn hơn và nhân tính hơn về Newton đã xuất hiện. Các học giả bắt đầu khám phá ra một mặt đen tối hơn của Newton, và trong quá trình đó, họ tìm ra sự liên hệ giữa các ý tưởng về giả kim với nền tảng khoa học và toán học của Newton. Một nhà sử học nổi tiếng người Mỹ, bà Betty Jo Dobbs, đã xuất bản 2 cuốn sách nói chi tiết về vấn đề này. Bà Betty cho rằng môn giả kim đã ảnh hưởng khá nhiều đến tư tưởng của Newton và những nguyên lý về giả kim đã được áp dụng vào các định luật lực hấp dẫn nổi tiếng của ông.

Newton cũng tin rằng, ít ra sao chổi cũng có tác động nào đó trên cuộc sống của con người. Trong cuốn sách "Tiên Tri và Quyền Năng, Chiêm Tinh Học trong Anh Quốc Thời Cận Đại" (Prophecy and Power, Astrology in Early Modern England), tác giả Patrick Curry cũng cho rằng lý thuyết về lực hấp dẫn rất giống với các ảnh hưởng trong chiêm tinh - "tác động chung ở một khoảng cách". Khi bị các nhóm chỉ trích tấn công, Newton lướt qua vấn đề khi nói: "Tôi chẳng lồng giả thuyết nào vào đây cả!" Thật ra, Newton đã sử dụng và lồng vào nhiều giả thuyết. Đây đơn giản chỉ là một cách đi vòng vấn đề, vì hầu hết cuộc đời của Newton dành vào việc giải quyết vấn đề đó. Những nghiên cứu về giả kim của Newton một phần là nhắm vào khám phá nguyên lý của lực hút. Nói "không giả thiết" về nguyên nhân của trọng lực cho phép ông tập trung vào việc trình bày phương diện toán học của những định luật đó. Cần phải giải thích làm sao chúng ta có thể phán đoán ra nó. Điều này phần lớn đã đúng và ứng nghiệm. Chúng ta có thể gởi người lên Mặt Trăng bằng những định luật Newton mà không cần hiểu gì về phần "tại sao" của lực hấp dẫn. Lực hấp dẫn ngày nay đã trở thành một đặc tính "huyền bí" có thể chấp nhận được rộng rãi.

...

Hãy nhớ rằng, chúng ta không những đang sống trong một thế giới VẬT CHẤT, mà còn ở trong một thế giới TÂM LINH. "Khoa học" hiện đại chỉ quan tâm đến "vật chất" và những gì "vô tri vô giác", trong khi các tôn giáo và chiêm tinh học cố gắng bảo tồn và phát huy các giá trị "tâm linh". Không thể nói "cái nào CẦN hơn cái nào", vì chúng ta cần hết cả 2 cái để gọi là một "cuộc sống" hoàn chỉnh. [CCT]

Phiên bản 1.0.3, xuất bản ngày 6/4/2014, sửa chữa ngày 7/4/2014 bởi Chòi Chiêm Tinh (https://www.facebook.com/choichiemtinh)