Thursday 22 September 2016

Ba vòng hoàng đạo


No automatic alt text available.


Cũng giống như một gia đình cùng cha cùng mẹ có 3 chị em cùng tên "Hạnh": một người tên "Kim Hạnh", một người tên "Bích Hạnh" và người còn lại tên "Thúy Hạnh". Ba chị em nét mặt và ngoại hình có thể giống nhau nhưng tính cách của họ hoàn toàn khác nhau. Trong Chiêm Tinh Học cũng vậy, có ba (3) vòng Hoàng Đạo tuy giống nhau về TÊN GỌI là "Hoàng Đạo" (Zodiac), cùng có 12 biểu tượng / dấu hiệu giống nhau nhưng đặc điểm cơ bản của mỗi vòng đều khác nhau.
1) Vòng Hoàng Đạo thứ nhất dựa trên vị trí tương quan (relative position) giữa Trái Đất và Mặt Trời. Đây là vòng Hoàng Đạo sử dụng phần lớn trong các trường phái Chiêm Tinh Học, có tên gọi là "Tropical Zodiac" hay còn gọi là vòng Hoàng Đạo Xuân Phân hoặc vòng Hoàng Đạo Chí Tuyến. Vòng Hoàng Đạo này KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI. Một triệu năm qua đã không thay đổi và hàng triệu tỷ năm nữa trong tương lai cũng không thay đổi ! Vòng Hoàng Đạo này có 12 biểu tượng / dấu hiệu (signs) và chia đều nhau đúng 30°.
2) Vòng Hoàng Đạo thứ nhì tương tự như vòng Hoàng Đạo thứ nhất (cũng có 12 dấu hiệu và cách đều nhau 30°) nhưng tính thêm hiện tượng "tuế sai" (precession) để tương ứng cho khớp vị trí với chòm sao thật trên bầu trời. Tên vòng Hoàng Đạo này gọi là vòng Hoàng Đạo Thiên Văn, tiếng Anh gọi là "Sideral Zodiac", được sử dụng rộng rãi bên nhánh Chiêm Tinh Học Ấn Độ (Vệ Đà / Vedic). Hiện nay (2016), vòng Hoàng Đạo Thiên Văn và vòng Hoàng Đạo Chí Tuyến lệch nhau khoảng 24°.
3) Vòng Hoàng Đạo thứ ba khi dịch ra tiếng Việt Nam cũng gọi là "vòng Hoàng Đạo Thiên Văn" nhưng có tên tiếng Anh khác là "Astronomical Zodiac". Đây chính là vòng Hoàng Đạo được sử dụng trong Thiên Văn Học hiện đại do các nhà khoa học "hậu Newton" tự phân chia các chòm sao thật trên bầu trời. Các dấu hiệu dựa trên chòm sao trong vòng Hoàng Đạo này KHÔNG ĐỒNG ĐỀU NHAU giống như 2 vòng Hoàng Đạo kia mà chúng có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Ví dụ, Xử Nữ chiếm đến 44°, trong khi Bảo Bình chỉ có 22° và Bọ Cạp bị "teo tóp" lại chỉ còn 6.5° để nhường chỗ cho "chòm sao thứ 13" Ophiuchus có kích thước 18.5°.
Nhiều năm trước, việc đưa "chòm sao thứ 13" Ophiuchus vào vòng Hoàng Đạo Thiên Văn truyền thống chỉ là "một đề xuất" và đã gây tranh cãi dữ dội vì nhiều người không hiểu sự khác biệt giữa 3 vòng Hoàng Đạo khác nhau, tưởng rằng đây là một sự "công kích" vào niềm tin Chiêm Tinh Học. Tôi không nghĩ NASA cố tình như thế mà họ chỉ làm cho "tiện lợi" hơn với những gì mà họ cảm thấy "ngứa mắt" khi vẽ bản đồ phân chia các chòm sao. Nhưng dĩ nhiên, nhiều người có hiểu biết "nông cạn" về thiên văn và lịch sử của nó cũng lợi dụng thông tin này để "cười nhạo hả hê" hoặc "đả phá" về Chiêm Tinh Học.
Tóm lại, vòng Hoàng Đạo sử dụng trong Chiêm Tinh Học là một vòng Hoàng Đạo "vô hình" (invisible) dựa trên vị trí Mặt Trời và Trái Đất trong khi 2 vòng Hoàng Đạo còn lại cố gắng "bám sát" vị trí các chòm sao có thật trên bầu trời. Mấy ngàn năm trước khi Chiêm Tinh Học mới khai sinh thì các vòng Hoàng Đạo này trùng khớp với nhau, khiến cho nhiều người "ngộ nhận" chúng đều là một. Ngày nay, chúng đã quá khác biệt nhau và để nghiên cứu chúng sẽ là một chuyên ngành khác nhau tùy theo mục đích sử dụng của con người chúng ta. Vì cuộc sống con người chúng ta phần lớn chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất từ các hành tinh gần nhất với chúng ta trong Thái Dương Hệ nên điều đó giải thích tại sao đây là chủ đề mà chúng ta cần quan tâm nhiều nhất và tìm hiểu thật kỹ trước khi nghiên cứu sang các lãnh vực / yếu tố khác trong đó có các hằng tinh (fixed stars) cùng với sự phân chia, vị trí và tác động của chúng.






Sự thật mà chúng ta cần biết đang diễn ra trên thế giới đó là những phát hiện mới trong Thiên Văn Học ngày nay thật ra đang càng ngày càng CỦNG CỐ thêm cho các kiến thức của Chiêm Tinh Học hiện đại, nhất là vai trò của Diêm Vương Tinh và Charon, các tiểu hành tinh, Oort Clouds và các vệ tinh của sao Mộc, sao Thổ. Nói cách khác, loài người chúng ta đang sống giữa một thời đại rất thú vị khi các khám phá mới trong khoa học, đặc biệt là Thiên Văn Học, đang vừa lấp đầy, bổ sung và làm sáng tỏ cho các lý thuyết huyền bí và cao siêu của Chiêm Tinh Học vốn đã lưu truyền từ vài ngàn năm qua, và cũng là "cha đẻ" của tất cả các ngành khoa học hiện đại: toán học, vật lý học, hóa học, thiên văn học, tâm lý học v.v...

Điều mà những nhà khoa học có "ác cảm" với CTH ngày nay thường lợi dụng khai thác để cười nhạo, tấn công và làm cho người ta hiểu sai về CTH đó là thứ nhất: CTH hoàn toàn KHÔNG quan tâm đến việc "mặt trời xoay quanh trái đất" hay "trái đất xoay quanh mặt trời", mà mục tiêu chính của CTH đó quan sát và nghiên cứu về sự tương quan giữa các hành tinh trong Hệ Mặt Trời (solar system) và chuyển động của chúng trên bầu trời, và những động lực đó sẽ gây tác động và ứng dụng như thế nào đối với cuộc sống, tâm lý và hành vi của con người trên Trái Đất. 

Thứ nhì, dù "mặt trời xoay quanh trái đất" hay "trái đất xoay quanh mặt trời" đi nữa, Chiêm Tinh Học chỉ cần biết rằng cứ đều đặn đến ngày 21/3 dương lịch hàng năm, Mặt Trời sẽ di chuyển từ phần bán cầu phía Nam của Trái Đất lên bán cầu phía Bắc của xích đạo (tropical equator) và ngày đó được xem là ngày Xuân Phân (vernal equinox) trong Dương lịch hay cũng là tiết Xuân Phân trong Âm lịch. Điểm Xuân Phân được xem là cái mốc 0° Dương Cưu để từ đó phân chia 12 cung Hoàng Đạo còn lại, với mỗi cung chiếm đúng 30° trên vòng tròn Hoàng Đạo. Đây là 1 trong 3 vòng Hoàng Đạo mà người ta thường nhầm lẫn và đây cũng là chỗ mà các người "ghét Chiêm Tinh Học" thường cố ý làm rối reng vấn đề với "những người ngây thơ" không nắm rõ thiên văn.

Trong hình minh họa (A), vòng Hoàng Đạo được sử dụng trong Chiêm Tinh Học cũng chính là vòng Hoàng Đạo chí tuyến hay còn gọi là vòng Hoàng Đạo Xuân Phân (được tô màu hồng). Vòng Hoàng Đạo Chiêm Tinh khác với vòng Hoàng Đạo của năm thiên văn (sidereal year, được tô màu vàng nâu) ở chỗ: vòng Hoàng Đạo Chiêm Tinh dựa trên ngày Xuân Phân, trong khi vòng Hoàng Đạo thiên văn (sideral zodiac) được dựa trên các sao cố định trên bầu trời (còn gọi là các "hằng tinh" hay "fixed stars"). Ngoài ra, vòng Hoàng Đạo thiên văn (sidereal zodiac) với các cung bằng nhau (30°) thực tế dựa trên một vòng Hoàng Đạo thứ III được ghép lại từ các chòm sao với kích cỡ khác nhau trên bầu trời, trong đó có chòm sao Ophiuchus, và vòng Hoàng Đạo này được gọi là "astronomical zodiac" mà các nhà thiên văn học hiện đại sử dụng.

Chính vì vòng Hoàng Đạo Chiêm Tinh Học được dựa trên vị trí quan hệ giữa Mặt Trời và Trái Đất, nên vòng Hoàng Đạo Chiêm Tinh sẽ KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI, cho dù Trái Đất có "tuế sai" (precession) hay "nghiên ngả" kiểu nào đi nữa, dù đã xảy ra trong hàng trăm ngàn năm qua, hay sẽ xảy ra trong hàng trăm ngàn năm tới. Hình minh họa (B) ở comment giải thích rõ hơn về chu kỳ tuế sai, và bạn có thể thấy rằng dù tuế sai có như thế nào, điểm Hạ Chí cũng LUÔN LUÔN được xác định là thời điểm khi trục Trái Đất được nghiên về hướng Mặt Trời nhiều nhất (mũi tên đỏ).

Thứ ba, do hiện tượng "tuế sai" khi trục quay của Trái Đất di chuyển vòng tròn theo chu kỳ dao động giữa 23.000 năm đến 26.000 năm, vị trí của "Dương Cưu" trong tính toán của Chiêm Tinh Học sẽ di chuyển từ từ cách xa với vị trí thật sự của chòm sao Dương Cưu trên bầu trời. Đây là ĐIỀU BÌNH THƯỜNG và sẽ KHÔNG THAY ĐỔI CÁC DỰ ĐOÁN CỦA CHIÊM TINH HỌC dù là hàng trăm ngàn năm tới trong tương lai ! Hiện nay, độ lệch này đang ở khoảng 25° và con số này sẽ là 26° sau 71,6 năm nữa. Ví dụ, khi CTH nói rằng Mặt Trời sẽ ở 10° Ngư Dương trong ngày Tết Dương lịch 1/1/2015, thì đối với các nhà thiên văn, Mặt Trời thật ra đang ở: 10° Ngư Dương - 25° của "tuế sai" = 15° thuộc chòm sao Nhân Mã trên bầu trời.

Đến đây, chúng ta đã hiểu rằng, phát hiện của Galileo về hệ thống "Nhật Tâm" (heliocentric) hay niềm tin của người xưa về hệ thống "Địa Tâm" (geocentric / "Trái Đất là trung tâm") thật ra cũng chẳng quan trọng, vì nó cũng chẳng liên quan gì đến các dự báo hay độ chính xác của Chiêm Tinh Học lâu nay. Lý do là vì các động lực mô tả trong Chiêm Tinh Học phần lớn đều dựa trên SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC HÀNH TINH TRONG NỘI BỘ THÁI DƯƠNG HỆ và một ít ảnh hưởng từ các hằng tinh (fixed stars) xa xôi, nhất là khu vực trung tâm của dải Ngân Hà (trong chòm sao Nhân Mã). Nói cách khác, các chòm sao Hoàng Đạo chỉ là những "cái mốc" tương đối về vật lý để "định vị" sự tương quan này, và dù có "precession" (tuế sai) hay "không precession" của Trái Đất đi nữa, điều đó cũng không quan trọng hay ảnh hưởng lớn đến các tính toán của Chiêm Tinh Học, mặc dù Chiêm Tinh Học vẫn theo dõi các hiện tượng này và gia giảm thông số tuế sai để "định vị" ngược lại các chòm sao Hoàng Đạo tương ứng với các mùa trên Trái Đất.

Nói nôm na, cuộc đời của mỗi con người chúng ta hay loài người nói chung phần lớn chịu tác động lớn nhất từ các thiên thể trong THÁI DƯƠNG HỆ (solar system), bắt đầu từ thiên thể ở GẦN chúng ta nhất đến những thiên thể ở XA chúng ta nhất, theo thứ tự trong danh sách sau đây:

- Mặt Trời
- Mặt Trăng
- Mộc Tinh
- Thổ Tinh
- Hỏa Tinh, Thủy Tinh và Kim Tinh (gần như bằng nhau)
- Các hành tinh vòng ngoài: Thiên Vương Tinh, Hải Vương Tinh, và Diêm Vương Tinh
- Các Tiểu Hành Tinh + Oort Clouds
- Sao chổi
- Ngân Hà và sự tương quan với hệ thống dãy Ngân Hà
- Các hằng tinh (fixed stars) hay các ngôi sao ngoài Ngân Hà (hình thành lên các cung Hoàng Đạo khác)

Lưu ý rằng khoảng cách giữa các thiên thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau đối với con người chúng ta: "gần nhất -> xa nhất" sẽ tương đương với "mạnh nhất -> yếu nhất", "rõ ràng nhất" vs "phai nhạt nhất", "nhận thức" vs "tiềm thức", "bên ngoài" vs "bên trong", và "vi mô" vs "vĩ mô" v.v...

Nói cách khác, trong hình minh họa (C), chúng ta thấy rằng Hệ Mặt Trời trong đó có Trái Đất và con người chúng ta chỉ là "cái chấm" rất nhỏ được bao bọc và chi phối trực tiếp bởi các hành tinh chính trong Hệ Mặt Trời, xa hơn là các tiểu hành tinh và dải Ngân Hà, trước khi chúng ta có thể tính tới ảnh hưởng từ các hằng tinh xa xôi. Tôi sẽ viết một bài khác nói rõ hơn về mối liên hệ này và sự sống trên Trái Đất.

Nguồn: https://www.facebook.com/choichiemtinh/photos/a.599431020086530.1073741828.444292765600357/958156024214026/