Wednesday 27 November 2013

Cách Nhận Diện Tiếp Điểm, Cung Nhà và Chủ Tinh


Nhiều người nóng lòng muốn học hỏi chuyên sâu vào CTH, nhưng lại bỏ qua bước nền tảng để rồi gặp bế tắc trong con đường học hỏi của mình.  Nhận diện Tiếp Điểm, Cung Nhà và Chủ Tinh là những viên đá căn bản quan trọng trước khi bạn có thể xem diễn dịch một lá số.

TIẾP ĐIỂM LÀ GÌ ?

Tiếp Điểm là những đường thẳng tỏa ra từ trung tâm của lá số và chia cắt với các dấu hiệu trên vòng Hoàng Đạo.




CÁC CUNG NHÀ NẰM Ở ĐÂU ?

Các cung Nhà được bao chặn giữa những tiếp điểm trên lá số.



Ngày nay, hiện có nhiều hệ thống phân chia cung Nhà (mỗi tài liệu CTH sử dụng hệ thống cung Nhà khác nhau!), gây rất nhiều rắc rối cho người mới tìm hiểu về Chiêm Tinh Học.  Tại sao lại phân chia ra nhiều hệ thống cung Nhà này (?!) sẽ là phạm vi của một bài viết riêng khác, và tôi chỉ muốn nhắc đến 2 hệ thống cung Nhà phổ thông nhất hiện nay ở đây:

1) Placidus: Được đề cập tới từ thế kỷ thứ 13, nhưng được chuẩn hóa bởi chiêm tinh gia Placidus de Titis, hệ thống Placidus là hệ thống phân chia cung Nhà được sử dụng nhiều nhất bởi các nhà Chiêm Tinh Gia phương Tây tại các quốc gia nói tiếng Anh.  Theo hệ thống này, các cung Nhà có thể thay đổi kích thước (= độ phủ góc so với vòng Hoàng Đạo) tùy theo vĩ tuyến của địa phương mà lá số được lập ra.  Các bạn càng sống gần phía Bắc và xa đường xích đạo chừng nào thì sự phân chia các cung Nhà sẽ bị "bóp méo" chừng đó: có những cung Nhà rất lớn và những cung Nhà rất nhỏ.  Ngoài ra, cung Nhà kiểu Placidus chỉ áp dụng giới hạn cho những địa phương từ vĩ tuyến 66° trở xuống.



2) Whole Signs ("Trọn Cung"): Hệ thống phân chia cung Nhà "Trọn Cung" ("Whole Signs") là hệ thống cổ đại và đơn giản nhất, được sử dụng rộng rãi nhiều nơi trên thế giới trước khi Chiêm Tinh Học phổ biến đến phương Tây.  Khác với Placidus, dù bạn ở nơi nào trên thế giới, hệ thống Trọn Cung cũng phân chia các cung Nhà đều nhau và ứng với 12 cung Hoàng Đạo.  Ở Chòi Chiêm Tinh, tôi cũng sử dụng hệ thống Trọn Cung, và dùng Placidus để chỉ để tham khảo trong nghiên cứu.  Theo xu mới ngày nay, hiện có nhiều chiêm tinh gia đang trở về hệ thống "Trọn Cung" trong việc lập lá số.  Và tôi cũng khuyến cáo các bạn nên chọn "Whole Signs" khi lập lá số để dễ học hỏi trong thời gian ban đầu, và để tránh nhiều nhầm lẫn phức tạp với hệ thống Placidus.  Sau đây là cùng một lá số như trên, nhưng được phân chia theo hệ thống Trọn Cung:



Bạn nên nhớ rằng, tuy cách phân chia cung Nhà khác nhau tùy theo hệ thống, nhưng vị trí, tính chất và phương pháp dự đoán của các hành tinh trên Vòng Hoàng Đạo vẫn không thay đổi.  Nói cách khác, sự phân chia cung Nhà chỉ mang tính chất "bổ sung" trong quá trình chiêm nghiệm và dự đoán cho lá số đó, chứ không phải là yếu tố "quyết định".  Lựa chọn sử dụng hệ thống cung Nhà nào cũng tùy theo sở thích, trình độ và thậm chí văn hóa tập tục của chiêm tinh gia đó.  Như vậy, tùy bạn muốn chọn hệ thống cung Nhà nào cho mình cũng được, nếu bạn thấy nó đúng và phù hợp hơn với mình.


CÁCH XEM CÁC CUNG NHÀ THEO HỆ THỐNG "TRỌN CUNG"

Đường thẳng tạo thành tiếp điểm cho cung Nhà thứ 1 còn gọi là CUNG MỌC.

Như vậy, trong hệ thống Trọn Cung, dấu hiệu Hoàng Đạo cho cung Nhà thứ 1 cũng chính là cung Mọc.  Ở ví dụ dưới đây, lá số này có cung Mọc là Ma Kết.

Mỗi cung Hoàng Đạo luôn chiếm một góc 30° bằng nhau trên vòng Hoàng Đạo.  Nói cách khác, 12 cung Hoàng Đạo = 30° x 12 = vòng tròn 360°.



Ngoài cung Mọc ra, tiếp điểm cung Nhà thứ 4, 7 và 10 là những điểm quan trọng trong một lá số: Thiên Đế, cung Lặn và Thiên Đỉnh.


TÌM CHỦ TINH CỦA CÁC CUNG NHÀ

Mỗi cung Hoàng Đạo có một biểu tượng, hay còn gọi là nét chạm, dính liền với nó.  Mỗi cung Hoàng Đạo cũng có một hành tinh làm Chủ Tinh của nó.  Có người gọi Chủ Tinh là "hành tinh quản chiếu" - tùy bạn thích gọi kiểu nào.

Bạch Dương: (chủ tinh là) Hỏa Tinh
Kim Ngưu: Kim Tinh
Song Tử: Thủy Tinh

Bắc Giải: Mặt Trăng
Hải Sư: Mặt Trời
Xử Nữ: Thủy Tinh

Thiên Bình: Kim Tinh
Hổ Cáp: Hỏa Tinh, Diêm Vương Tinh
Nhân Mã: Mộc Tinh

Ma Kết: Thổ Tinh
Bảo Bình: Thổ Tinh, Thiên Vương Tinh
Song Ngư: Mộc Tinh, Hải Vương Tinh

Trong ví dụ dưới đây, bạn có thể thấy cung Nhà thứ 4 nằm ở trong Bạch Dương.

- Hỏa Tinh là chủ tinh của Bạch Dương, vì thế cho nên Hỏa Tinh là chủ tinh của cung Nhà thứ 4.
- Hỏa Tinh đóng tại Hải Sư thuộc cung Nhà thứ 8, cho nên người này có chủ tinh cung Nhà thứ 4 nằm trong cung Nhà thứ 8




Tương tự, chủ tinh của cung Nhà thứ 6 nằm trong cung Nhà thứ 10, và chủ tinh của cung nhà thứ 12 nằm trong cung Nhà thứ 7 v.v...





"TÂN CHỦ TINH" VÀ "CỰU CHỦ TINH"

Riêng đặc biệt mỗi dấu hiệu Bảo Bình, Song NgưHổ Cáp đều có 2 chủ tinh: một cựu chủ tinh và một tân chủ tinh.  Ở một số tài liệu, "cựu chủ tinh" được gọi là "chủ tinh truyền thống", còn "tân chủ tinh" được gọi là "chủ tinh hiện đại".  Một lần nữa, muốn gọi kiểu nào cũng là tùy bạn.

- Cựu chủ tinh của Bảo Bình là Thổ Tinh (Saturn).  Tân chủ tinh là Thiên Vương Tinh (Uranus).
- Cựu chủ tinh của Song Ngư là Mộc Tinh (Jupiter).  Tân chủ tinh là Hải Vương Tinh (Neptune).
- Cựu chủ tinh của Hổ Cáp là Hỏa Tinh (Mars).  Tân chủ tinh là Diêm Vương Tinh (Pluto).

Một số chiêm tinh gia chỉ xem cựu chủ tinh, một số dùng cả hai chủ tinh, và số khác chỉ sử dụng tân chủ tinh.  Ở Chòi Chiêm Tinh, tôi sử dụng cả hai chủ tinh, phần nhiều sẽ là tân chủ tinh, và cựu chủ tinh mở rộng tính chất cho các dấu hiệu Hoàng Đạo này.

Như ví dụ dưới đây, Hỏa Tinh làm chủ cung Nhà thứ 4 trong Bạch Dương và là cựu chủ tinh của cung Nhà thứ 11 trong Hổ Cáp.  Tân chủ tinh của Hổ Cáp là Diêm Vương Tinh đóng ở cung Nhà thứ 9.





PHỤ LỤC: CÁCH XEM CÁC CUNG NHÀ THEO HỆ THỐNG "PLACIDUS"

Trong hình dưới đây, cung Nhà thứ 1 nằm trong Ma Kết (Capricorn).  Dấu hiệu Hoàng Đạo Ma Kết bao phủ vị trí mà tiếp điểm cung Nhà thứ 1 giao cắt với cung Hoàng Đạo Ma Kết.

Cung Nhà thứ 2 thuộc cung Hoàng Đạo Bảo Bình (Aquarius).  Dấu hiệu Hoàng Đạo Bảo Bình bao phủ vị trí mà tiếp điểm cung Nhà thứ 2 giao cắt với khu vực Bảo Bình trên vòng Hoàng Đạo.

Đường thẳng tạo thành tiếp điểm cho cung Nhà thứ 1 còn gọi là CUNG MỌC.



Trong ví dụ trên, bạn có thể thấy cung Nhà thứ 3 nằm ở trong Bạch Dương.

- Hỏa Tinh là chủ tinh của Bạch Dương, vì thế cho nên Hỏa Tinh là chủ tinh của cung Nhà thứ 3.
- Hỏa Tinh đóng tại Hải Sư thuộc cung Nhà thứ 7, cho nên người này có chủ tinh cung Nhà thứ 3 nằm trong cung Nhà thứ 7

TRƯỜNG HỢP CHẮN CUNG

Tiếp theo ví dụ trên trong hình dưới đây, cung Song Ngư hoàn toàn nằm trong khu vực bị chắn bởi Tiếp Điểm cung Nhà thứ 2 và thứ 3, và hoàn toàn không đụng chạm gì đến 2 Tiếp Điểm này.

Trường hợp này gọi là "Song Ngư bị chắn trong cung Nhà thứ 2".  Như vậy cung Nhà thứ 2 của lá số này sẽ có 2 chủ tinh chính và 2 chủ tinh phụ:

1) Chủ tinh chính: Thiên Vương Tinh (tân) và Thổ Tinh (cựu) cho Tiếp Điểm trong Bảo Bình
2) Chủ tinh phụ: Hải Vương Tinh (tân) và Mộc Tinh (cựu) cho cung Song Ngư bị chắn.



Trong lá số trên, Thiên Vương Tinh và Thổ Tinh sẽ là những chủ tinh chính của cung Nhà thứ 2, và đóng vai trò quan trọng nhất.  Hải Vương Tinh và Mộc Tinh là chủ tinh phụ, và đóng vai trò quan trọng thứ nhì.

TIẾP ĐIỂM ĐÔI

Trong ví dụ này, cung Song Tử bao trùm 2 Tiếp Điểm: của cung Nhà thứ 5 và thứ 6.  Như vậy, chủ tinh của Song Tử là Thủy Tinh sẽ là chủ tinh của cả hai cung Nhà thứ 5 và cung Nhà thứ 6.



[CCT] Phiên bản 1.1.0, xuất bản lần đầu ngày 2/7/2013, cập nhật lần cuối ngày 4/7/2013
bởi Chòi Chiêm Tinh (https://www.facebook.com/choichiemtinh)